740.5km vẫn gần bên nhau

“Mặt trời có thể lặn muộn một chút, người bạn chờ có thể đến chậm một chút
Nhưng không sao,
Cuối cùng mặt trời vẫn sẽ lặn và người cần đến vẫn sẽ đến mà thôi”
Yêu xa hay yêu gần thì cũng là yêu – Chỉ cần nguyện ý tin tưởng, thấu hiểu và đủ yêu. là yêu.
Tôi, một cô gái nhỏ bé miền Trung lặn lội vào Sài gòn để học đại học.
Tầm tuổi ấy, trong khi lũ bạn của tôi thay nhau yêu đương, thay nhau thay người yêu, thay nhau khóc ầm ỉ sau những lần thất tình, thì tôi vẫn rất dững dưng với tình yêu. Đã chứng kiến nhiều “nỗi niềm” của gia đình khi không có tiền, nên tôi có quan niệm sống là “Không có tình yêu không chết, không có tiền mới chết”. Vì thế, những năm tháng sinh viên tôi lao đầu vào vừa làm, vừa học để tự trang trãi cuộc sống, đóng học phí và phụ cho gia đình.
Sau khi ra trường, tôi cũng tự tìm được công việc đúng chuyên ngành. Thời gian rảnh, tôi lại đi học tiếng Anh. Cuộc sống cứ thế ngày qua ngày, và rồi cái gì đến cũng đến, anh đến.
Tôi chưa từng tin vào tin yêu mai mối. Mà y như rằng, tôi không tin cái gì thì cái ấy vận vào trong tôi.
Một buổi tối sau giờ học về, tôi nhận được tin nhắn hỏi thăm của người chị họ, hai chị em nhắn hỏi qua lại, tôi nói tôi đang học tiếng Anh. Như nhớ ra điều gì đó, chị nói ngay “Em, chị có một anh bạn là thầy giáo dạy tiếng anh, đang ở Thái, để chị giới thiệu cho, biết đâu ảnh có thể giúp em học tốt lên”. Tôi cũng không mấy hứng khởi gì, sợ phiền, sợ ngại với người ta, rồi sợ cả người ta biết mình dở tiếng anh như nào nên cứ ậm ừ. Chị tôi thì nhiệt tình quá nên tôi đồng ý cho qua chuyện.
Hôm sau, tôi nhận được tin nhắn và lời mời kết bạn, tôi lơ đi, không trả lời. Ngày hôm sau nữa, đi làm về, tôi lại nhận được tin nhắn. Tôi chợt nhớ lại câu chuyện tối nọ của bà chị, nghĩ lòng “Chắc là anh thầy ấy đây, tôi chấp nhận và chào lại cho phải phép”. Từ đó, ngày nào tôi và anh cũng nhắn tin với nhau, tôi làm bài gửi qua cho ảnh kiểm tra và chỉ cách sửa sai. Lúc rảnh hơn tí thì hỏi thăm nhau vài câu, hay kể về những chuyện thường nhật. Anh không nhắn tin lúc tôi làm việc, đợi tôi đi làm về, hay đi học về rồi mới nhắn. Tôi cũng thấy khá thoải mái khi trò chuyện cùng anh. Chúng tôi nói chuyện tựa như là đã thân quen từ rất lâu.
Đến vài tháng sau này, một lần lên nhà chị chơi, tôi mới biết được câu chuyện: Chị có nhóm bạn thân, bốn người, đều đã lập gia đình, cùng quê Bình Phước, trong đó có một chị đi du học bên Anh và về Bangkok sinh sống. Chị ấy tham gia Hội người Việt ở Thái và gặp anh. Anh và vợ chồng chị ấy thường đi phượt, khám phá nước Thái. Một lần cả nhóm cùng hẹn nhau qua Bangkok chơi và được anh làm tài xế đưa đi. Bốn chị thấy anh dễ gần, lại tốt tính nên nảy lên kế hoạch làm mai cho anh. Mấy chị nói với nhau về xem trong bạn bè hay trong gia đình có em út gì, thấy hợp thì làm mai cho anh. Và tôi là người nằm ngoài kế hoạch đó, tôi chỉ là một sự tình cờ của chị mà thôi.
Từ hôm biết được kế hoạch mai mối của chị, tôi dường như mất ăn mất ngủ, ít trả lời tin nhắn với anh hơn. Anh dường như nhận ra điều ấy, anh hỏi “Em có chuyện gì đúng không, mấy nay em lạ lắm?”. Tôi hỏi anh “Anh, anh có biết kế hoạch mai mối của chị em không?” Anh nói “Anh biết, anh cũng tưởng em biết ngay từ đầu nhưng mới nghe mấy chị nói em mới vừa biết. Vậy giờ em nghĩ sao?”. “Em cứ từ từ suy nghĩ. Tháng sau anh về, gặp anh để em cảm nhận về anh. Lúc đó em tính sao tính, anh không có ép buộc gì em”. Thật ra trong khoảng thời gian này tôi áp lực kinh khủng. Tôi chưa từng nghĩ sẽ yêu đương vào lúc này, cũng như chưa từng nghĩ đến sẽ có người yêu ở xa như vậy, ở tận nước ngoài. Trong ý nghĩ, tôi luôn thích người trưởng thành, hơn tuổi. Nhưng chưa hề nghĩ đến là có người yêu lớn hơn tận 13 tuổi. Lúc tôi chào đời, anh đã lên cấp hai; lúc tôi lên cấp một, anh đã cấp ba; lúc tôi tốt nghiệp cấp hai anh đã tốt nghiệp cao học luôn rồi. Tình yêu khoảng cách tuổi tác, địa lý sẽ như thế nào, có kết quả hay không? Gia đình tôi chưa từng có suy nghĩ “hướng ngoại”. Ba mẹ tôi sẽ phán ứng thế nào khi biết tôi quen anh ? Tôi không biết có nên tiếp tục mối quan hệ này không?
Anh thích màu xanh rêu, từ quần áo, nón mũ, đồ dùng đa số có màu xanh rêu. Nên tôi hay chọc và gọi anh là Mr. Rêu.
Mùa Noel năm ấy, Mr. Rêu được nghỉ ba tuần, anh về gặp tôi. Anh đặt khách sạn ở gần cái quán món Quảng mà chúng tôi hẹn gặp. Lần đầu gặp mặt nên tâm trạng tôi khá hồi hộp.Chúng tôi hẹn gặp nhau tại quán lúc 12 giờ trưa. Nhưng cái tính hay bày trò của mình, 11 giờ 30 phút tôi đã đến trước khách sạn của anh, tôi trốn sang một bên và nhắn tin “Em đang ở quán, em cho anh 15 phút, nếu anh không đến là em đi về”. “Em, anh vừa tới khách sạn, em có đói thì gọi đồ ăn trước đi, em cố đợi anh xíu nha, đừng có về, anh năn nỉ em đó”. Tôi “không”. Và rồi một phút sau tôi thấy có người từ trong khách sạn đi ra, mặc quần jean, áo thun trắng, mang giày thể thao, đi vội đi vàng. Tôi đoán chắc là anh, tôi lật đật chạy bộ theo sau. Đến khi đuổi kịp, tôi lên tiếng “Chú ơi, chú ơi, cho con xin hỏi đường chút xíu”. Anh dừng lại quay sang “Xù”. Thế là chúng tôi cùng im lặng, cùng nhau đi đến quán. Rất lâu về sau, trong một buổi tối đi dạo ở bãi biển, tôi hỏi anh “Anh, sao lúc đó anh biết đó là em hay vậy, em nói em đang ngồi ở quán mà”. “Anh cũng không biết, lúc quay sang anh biết ngay là em. Anh thấy hình em trên facebook, em toàn xõa tóc, không đeo kính. Bữa đó em lại cột tóc bổng, đeo kính, lại mang khẩu trang nữa nhưng anh cảm giác đó là em”. Kể cũng lạ, trong suốt mấy tháng nhắn tin chuyện trò trước đó, tôi khó tính lắm, anh xin gọi điện nói chuyện mà tôi không cho, tôi chỉ cho nhắn tin thôi, tôi và anh đều không biết giọng nói của nhau.
Ngày hôm sau, anh về quê thăm gia đình, rồi cuối tuần lên thành phố chơi với tôi. Tôi và anh đi tour Miền Tây 2 ngày 1 đêm. Có lần ngồi lại nói chuyện chơi chơi, tôi nói “Anh, đợt đó đi chơi mình không có tấm hình chung nào luôn”. Anh nói “Có chớ sao không, mình chụp chung với đoàn đi tour còn gì”. Tôi mắc cười “Ồ, đó có được tính là tấm hình chụp chung đầu tiên của hai đứa mình không!”
Hết kỳ nghỉ anh quay lại Thái. Tôi ra tiễn anh. Đêm đó tôi lại trằn trọc. Thật ra, tôi đã thích anh rồi. Tôi không biết gu của mình là gì. Nhưng khi gặp anh thì anh mọi thứ ở anh, tôi đều thích. Tôi quyết tâm, mai ra gặp tôi sẽ tỏ tình với anh. Tôi tự nhủ, được ăn cả, ngã về không, chẳng may bị từ chối thì không có gì gọi là xấu hổ. Chuyện này chỉ có trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết.
Nhưng cuộc đời mà, nhiều khi, mọi thứ không như mình nghĩ. Tôi đang không biết mở lời như thế nào thì anh đã quay sang nắm lấy tay tôi “Xù, làm bạn gái anh nha”. Tim tôi lệch nhịp, đập tán loạn, đầu tôi nổ ong ong “Trời, sao kịch bản lại đảo lộn thế này?”. Chưa định hình được gì thì anh nói tiếp “Em chê anh già đúng không?” Tự nhiên mắt tôi ngấn nước, vừa mắc cười, vừa thấy tội, vừa thấy thương. “Đúng rồi, vừa già, vừa khó tính, lại hay bắt nạt người khác…” Anh mặt buồn rười rượi cúi xuống. Tôi cố nhịn cười, nắm lấy tay anh “Uhm”. Thế là cả hai nhìn nhau cười. Anh nói “Yêu xa như vầy thiệt thòi cho em lắm đó, anh không thể chăm sóc cho em thường xuyên”. Tôi đáp “Em có thể tự làm được, anh yên tâm”.
Anh vào trong, tôi lặng lẽ ra về trong con đường bộ sân bay. Bỗng tôi nhận được tin nhắn “Anh cảm ơn em”. Tôi nhắn lại “Cảm ơn em về cái gì, là vì em ra sân bay tiễn anh hay vì cái Uhm”. Anh nhắn “Vì cả hai”. Tôi nhắn lại “Em cũng cảm ơn anh”. Đó là một buổi chiều Tân Sơn Nhất đẹp nhất mà tôi từng cảm nhận. Đến giờ thì tôi cũng không nhớ rõ bữa đó tôi đi về bằng xe máy của mình hay đón grab về nữa…
Anh về đến phòng gọi điện cho tôi, đây là lần lầu đầu tiên chúng tôi nói chuyện điện thoại với nhau, mà còn gọi video nữa. Tôi vẫn còn nhớ như in nét mặt cười rạng rỡ, đong đầy hạnh phúc của anh khi ấy.
Tối đó, đợi anh ngủ rồi, tôi ngồi soạn một tin nhắn dài, trãi lòng như là một “tâm thư”. Tôi phân vân mãi không biết có nên gửi hay không. Tôi không biết đọc xong anh sẽ phán ứng như thế nào, hay anh có cười tôi không. Cuối cùng tôi cũng nhấn nút gửi. Hôm sau thức dậy, ngoài sự mong đợi, tôi cũng nhận lại “tâm thư” từ anh “Cảm ơn em đã nói lên suy nghĩ của em cho anh biết, để anh hiểu thêm về em. Về phần anh ….”. Đọc xong tôi mỉm cười, cảm thấy như vậy đủ rồi. Mọi băn khoăn, trở ngại trong lòng trước khi quyết định quen anh đều được mở nút, tôi thấy nhẹ lòng vô cùng.
Tìm được người mình thương thật không dễ. Thật may, người mình thương cũng vừa vẹn thương mình.
Yêu xa, nếu là tình yêu đúng, thì nó chính là tình yêu ngọt ngào.
Tôi ở trọ cùng hai bé nhỏ tuổi hơn, quê ở Vũng Tàu. Cuối tuần là tụi nó kéo nhau về nhà. Tính tôi nhát ké và sợ ma nên cũng khăn gói qua nhà bạn ngủ nhờ. Nhưng rồi tụi bạn cũng lần lượt lấy chồng, tôi không còn chốn dung thân. Tôi đành ở phòng một mình, không dám ngủ. Tôi mở đèn và chơi điện thoại xuyên đêm. Khoảng 5 giờ sáng, khi nghe tiếng thức dậy, tiếng lục đục của hàng xóm, tôi mới đi ngủ. Nhưng từ ngày có anh thì lại khác. Chúng tôi gọi điện trò chuyện cùng nhau, anh canh cho tôi ngủ. Tôi chìm vào giấc ngủ trong trong tiếng gõ bàn phím soạn giáo án lạch cạch của anh. Nhiều bữa, tôi giật mình giữa đêm, nhìn qua màn hình phía anh, thấy tối đen, tôi hoảng hồn, tưởng anh ngủ rồi, định tắt điện thoại thì giọng anh vang lên “Anh tắt đèn cho cho mát, em yên tâm ngủ tiếp đi, đợi tí nữa em ngủ say rồi anh ngủ. Anh không tắt điện thoại đâu, có gì thì gọi anh”. Tôi an lòng, nhắm mắt ngủ tiếp.
Ngày nọ, tôi ngủ trưa thì bị bóng đè kinh khủng lắm, tưởng tắt thở chết rồi. Vừa tỉnh dậy, tôi liền gọi kể cho anh nghe. Nghe xong, anh cũng chỉ im lặng, kiểu “uhm, uhm” rồi nói sang chuyện khác. Nhưng đến lần sau gặp, anh đưa cho tôi một đống thuốc: nào bổ não, bổ máu, bổ sung canxi mà anh đã nhờ bạn mua từ bên Mỹ. “Nè, uống đi, tối ngày em toàn ăn bậy ăn bạ, ăn uống không đủ chất, rồi ngủ không ngon, rồi tê tay, tê chân … ở đó mà kêu bóng đè, bóng nào mà đè”.
Yêu xa, ít thì vài tuần, nhiều thì vài tháng mới được gặp nhau. Nhưng chính sự gặp gỡ hiếm hoi này khiến cho chúng tôi luôn trân trọng những giây phút ở gần nhau.
Lần đầu tiên tôi đi máy bay, cũng là lần đầu tiên tôi bay luôn ra nước ngoài. Là lần gặp lại nhau sau bốn tháng tỏ tình. Anh là người đặt vé, tôi chỉ việc xách ba lô lên và đi. Anh dặn dò tôi đủ thứ, đến tờ khai nhập cảnh anh cũng điền sẵn, tôi chỉ việc coi và điền theo. Lúc bay, tôi ngồi gần con bé, nó cũng bay qua thăm người yêu. Tụi nó quen nhau qua mạng, và chưa gặp nhau bao giờ. Đến nơi, người yêu nó ra đón, hai đứa nó gặp nhau bay tới ôm hôn thăm thắm thiết, quay vòng vòng. Tôi ngơ ngác, nghĩ rằng “À, hóa ra tụi yêu xa gặp nhau là sẽ như thế, có khi tí nữa chúng tôi cũng vậy”. Mà thôi, cái đó là tôi tưởng tượng thôi, thực tế thì….
Tôi thấy anh trong dòng người đứng đón, anh cũng thấy tôi. Anh tiến lại kéo vali giúp tôi “Mệt không em, đói bụng không? Đi theo anh, tới quày nhỏ đằng kia anh mua bánh, nước cho nè”. Lên xe, tôi vừa ăn bánh, vừa uống nước, vừa huyên thiên đủ thứ chuyện, anh cũng chỉ “Uhm” và tập trung lái xe.
Đến phòng, anh đưa tôi đồ dùng cá nhân mà anh đã chuẩn bị cho tôi, nào là khăn tắm, bàn chải…. Tôi thắc mắc “Anh, sao anh dùng dầu gội, sữa tắm Dove vậy, cái này của nữ mà ?”. Anh nói “Dầu gội, sữa tắm cũng chỉ làm cho sạch thôi, anh dùng loại nào em dùng được, để mỗi lần em qua là có cái dùng luôn”, tôi cười. Những lần sau qua, trong nhà lại xuất hiện thêm nhiều thứ cho tôi, khi thì đôi dép đi trong nhà, đồ ngủ, đồ mặc nhà, khi chiếc máy sấy tóc, rồi cả đồ đi chơi, đồ công sở. “Em đừng có đem đồ qua nhiều. Ở đây, anh thấy cái nào đẹp, vừa người là anh mua cho em”. Giờ, tôi đã có luôn một tủ đồ, được anh phân loại theo ngăn, giặt ủi, xếp gọn gàng. Nếu qua, tôi chỉ cần sà vào cái tủ ấy là được.
Yêu xa, chúng tôi chưa từng một lần được đón tết, đón lễ tình nhân, đón sinh nhật hay những ngày đặc biệt cùng nhau. Kỳ nghỉ lễ của hai nước cũng khác nhau. Tôi được nghỉ lễ, thì anh bận đi làm. Tôi đi làm, thì anh lại nghỉ lễ. Tôi dành dụm từng ngày phép của mình để qua thăm anh. Anh để dành những kỳ nghỉ của mình về thăm tôi. Nhất là những ngày tết, tôi về quê sum họp với gia đình, đông vui như vậy nhưng vẫn thấy trống vắng vì không có anh. Những chiều ba mươi tết, nhà cửa, mọi thứ đều tơm tất. Nhìn nhà nào cũng lên đèn, lên nhạc, quây quần chờ đón giao thừa, lại càng nhớ anh hơn. Không cầm lòng được, nhắn tin cho anh “Anh, thời tiết quê em năm nay không lạnh tê tái như mọi năm. Ngoài đường cây trái cũng bán xong, mọi người dọn dẹp đâu vào đó hết rồi, giờ chỉ chờ giao thừa thôi. Tự nhiên em nhớ anh quá, nhớ chảy cả nước mắt”. Anh nhắn lại “Anh cũng đang rất nhớ em”. “Nay tết đó, anh mua cái gì ngon ngon về ăn nha anh”. “Anh đang nấu thịt khi tàu, mai anh mang vô trường cũ cho mấy bạn người Việt cùng ăn, rồi cùng họ đón tết”. Đấy, có những chuyện rất bình dị, có những câu nói rất bình dị, nhưng thấy thương nhau vô cùng.
Tôi nhớ lần đầu chúng tôi nấu ăn cùng nhau là bên Thái.
Đợt đó tôi qua chơi đã được hai ngày, anh dắt tôi đi thưởng thức nhiều món ngon ở Bangkok. Hôm sau, anh hỏi “Tối nay em muốn ăn gì?”. Tôi nói “Ăn cơm nhà đi anh”. Thế là hai đứa kéo nhau đi siêu thị mua cá diêu hồng nấu ngót. Về, anh cặm cụi rửa cá, nấu canh. Tôi vừa nhặt rau vừa hát nhảm. Nấu xong, dọn mâm lên, hai đứa cùng nói “ăn cơm thôi”. Tự nhiên, bầu không khí trở nên yên ắng. Đưa miếng cơm lên miệng, lòng tôi chùn lại, mắt đã nhòe nước. Cái cảm giác gì đó lạ lắm, làm tôi mủi lòng, muốn khóc quá trời. Tôi cảm nhận được lòng anh cũng đang xao động, và anh cũng cảm nhận được lòng tôi. Tôi giả vờ nói “Ớt Thái gì mà cay quá vậy nè, mém chảy nước mắt luôn nè. Lần sau, em sẽ đem ớt Việt Nam qua ăn, không thèm ăn ớt Thái nữa đâu”. Anh cũng không đáp lại, cũng không ngước nhìn tôi, anh gắp cá bỏ vào chén tôi. Cứ như vậy, anh cứ gắp bỏ, tôi lẳng lặng ăn, anh lẵng lặng ăn.
Lúc đó là khoảng 5h chiều. Trời vẫn còn sáng, nắng Bangkok vẫn còn ấm áp lắm. Tôi nghĩ lòng, anh qua đây đã mười mấy năm, anh từng có “bữa cơm gia đình” như vầy ở đất nước này chưa? Bình thường anh ăn uống như thế nào? Ăn có cô đơn không?
Tôi từng đọc ở đâu đó rằng “Một người nếu như yêu bạn thì trong lòng sẽ luôn nhớ đến bạn. Một người yêu bạn rất nhiều sẽ luôn sẵn sàng bao dung theo ý bạn. Chỉ những người thật sự coi bạn quan trọng hơn chính bản thân mình thì mới nuông chiều bạn như vậy thôi.” Tôi và anh là kiểu người “kiệm” lời yêu thương, chúng tôi hiếm khi thốt ra lời yêu, lời nhớ. Chúng tôi chỉ thể hiện qua hành động đủ để đối phương cảm nhận được.
Anh có thể ngồi hàng giờ để bấm từng cái móng tay, móng chân cho tôi hay nhổ từng cái mụn cám trên mặt tôi; ủi thẳng băng cho tôi từng cái đầm, cái áo. Rồi đến cả việc gội đầu, sấy tóc cho tôi anh cũng làm một cách nhuần nhuyễn, nhẹ nhàng. Những lúc đi đâu cùng nhau, anh luôn là người chạy đôn chạy đáo để chuẩn bị hành lý, gói gọn vào va li cho tôi. Tôi rất thích nhìn khuôn mặt anh mỗi khi anh chăm tôi, rồi khẽ cười và nói “Có anh thật tốt”
Mỗi lần qua thăm anh, vali chỉ toàn đồ cho anh. Tôi mang cho anh từng hủ mực rim, tôm rim, cá rim mà tôi tự làm. Anh chỉ việc bỏ tủ lạnh, khi muốn là có thể cho vào lò microwave hâm nóng ăn với cơm. Hay vali chỉ toàn những gói mì, gói phở, gói hủ tiếu đậm hương vị quê nhà mà anh thích. Tôi thích ăn mặn, nhưng khi nấu ăn cho anh tôi sẽ nấu nhạt, tôi sợ anh ăn mặn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh đi dạy, hằng ngày tiếp xúc với nhiều học trò, dễ bị lây cảm cúm từ chúng nó. Tôi luôn mang thuốc xông cho anh, để khi có triệu chứng cảm là anh có thể dùng. Có lần nghe anh nói anh thèm bánh dừa nướng. Trước giờ bay tôi chạy vòng vòng khắp Sài Gòn mới mua được vài cái để đem qua cho anh. Nhưng khi qua tới nơi thì bánh đã dịu, mềm nhũng. Tôi định vứt đi thì anh không cho “Để đó anh ăn, không sao. Bánh em mang cho anh mà”. Tôi yên lặng ngồi ngắm anh ăn hết chỗ bánh một cách ngon lành.
Có lần đi bộ ở Central Worl. Tính tôi thì thấy cái gì lạ thì hay chạy lung tung, ngó nghiêng ngang dọc. Nghe anh gọi Xù thì chạy lại. Anh đổ hết đống tiền két trong túi ra hai bàn tay tôi. Anh nói “Em đem tới cho cái người ngồi ở đằng kia đi”. Tôi đi lại bỏ vào cái lon của người ây. Người ấy chấp tay lại lạy cảm ơn tôi. Tôi cũng chấp tay lạy chào lại (theo kiểu người Thái). Xong, tôi chạy về phía anh giơ hai tay lên cười, ý khoe “đã xong nhiệm vụ”. Anh cũng chỉ gậc đầu và nắm tay tôi đi tiếp. Tôi cứ đi theo như thế, miệng cười khúc khích, lòng ấm áp vô cùng. Vẫn biết anh ít nói, hay hành động từ những cái nhỏ nhặt. Tôi quen rồi, nhưng mỗi lần vậy vẫn thấy vui.

Tôi hay kể chuyện xàm xàm cho anh nghe. Nghe xong anh cũng không ừ hử gì, tôi giả vờ dỗi “Đúng là khác thế hệ mà, làm sao mà dân 8x đời đầu hiểu được dân 9x chứ”. Lúc mới quen, lâu lâu tôi cứ nói chuyện kiểu bướng với anh để xem anh có tức giận gì với tôi không. Nhưng không, anh cứ để tôi bướng vậy. Chờ cơn bướng qua đi, anh nhỏi nhẹ nói với tôi “Em nói chuyện cố tình ngang ngược nhưng anh cảm nhận được em thế nào. Nên em đừng có thử anh”. Từ đó, tôi không thèm tỏ ra bướng nữa.
Mỗi ngày, anh nhắn hỏi tôi “Hôm nay em khỏe không?”. Mới đầu nghe, tôi lấy làm lạ lắm. Tôi hỏi “Anh, sao câu này nó giống như mấy câu xả giao trong bài hội thoại vậy”. Anh cười “Xả giao cái gì, anh hỏi là thật lòng. Ở xa nhau thế này, anh đâu biết em đang như thế nào. Anh muốn biết em trả lời anh tối qua em ngủ có ngon không, ngày nay em thấy khỏe hay không khỏe chỗ nào không?”. Và giờ, tôi cũng đã quen với câu ấy.
Tôi có những quy tắc bản thân nhất định. Đối với mọi người có thể không là gì, nhưng đối với tôi đó là quy tắc bất duy bất dịch. Ví dụ như, khi nói chuyện với nhau, tôi luôn chờ anh cúp máy trước. Ví dụ như, trước khi quen nhau, nhắn tin sao cũng được, nhưng khi quen nhau tôi liền nói “Anh, từ giờ trở đi, khi mình nhắn tin với nhau, anh đừng viết tắt chữ anh em là a e nha. Anh có thể viết tắt bất cứ chữ gì, nhưng hai chữ đó thì không nha, em sẽ hờn đấy”. Anh không nói gì, ngầm đồng ý. Nhưng do thói quen nhiều năm, có lần anh “phạm quy”. Lần ấy, tôi không thèm nhắn tin lại hay nghe điện thoại anh một ngày. Hôm sau, thay vì nhắn tin, tôi viết mail gửi anh với tựa đề “Thư cảnh tỉnh”. Anh nhận mail, hết hồn, trả lời lại mail tôi. Từ đó, tôi không thấy phạm quy lần nào nữa. Một lần hai đứa đang trêu đùa nhau, tôi bảo “Sau này em sẽ in cái Thư cảnh tỉnh đó ra, treo giữa nhà thay cho ảnh cưới. Thư đó quả là thành phẩm xuất sắc của em”. Anh lườm tôi cái thật dài, vừa cười vừa nói “Bó tay, bó tay. Ai đời đi viết mail cho người yêu như tòa án, còn đính kèm file chứng cứ. Em xem trên đời này có ai làm như em không hở”
Tôi và anh được cái là, chuyện gì cũng nói với nhau, chia sẻ cảm nhận với nhau. Có những thứ tôi không thích, tôi sẽ nói “Anh làm vậy là em sẽ hờn đó nha” thế là anh không làm nữa. Anh đi đâu, làm gì cũng nhắn nói tôi biết trước hay sẽ hỏi ý kiến của tôi. Tôi cũng vậy. Nên từng ấy năm, chúng tôi chưa từng cải vả, chưa từng giận nhau, cùng lắm, chỉ có tôi hay làm “trò hờn” để được anh vỗ về mà thôi. Tôi cũng không biết giữa chúng tôi có tồn tại chữ “ghen” không. Vì đến giờ, chúng tôi chưa từng tạo điều kiện cho đối phương ghen.
Mùa hè năm thứ hai quen nhau, anh về, chúng tôi vi vu cùng nhau ở Đà Lạt. Sau một ngày rong chơi mệt lả, tôi nằm trên giường xem ti vi, anh thì ngồi dưới sàn lau giày cho hai đứa. Không biết trong lúc lau giày cảm xúc dâng trào thế nào mà anh quay qua nói với tôi “Năm sau mình cưới nha em”. Tôi đơ người, tim đập loạn “Anh, là anh đang cầu hôn em đó hở?”. “Uhm, chứ em muốn sao, anh phải quỳ xuống hở”. Tôi “Không, tầm này thì anh đừng quỳ, hay anh lăn tới đây đi”. Rồi cả hai cùng cười, tôi tiếp tục xem ti vi, anh tiếp tục lau giày.
Câu chuyện tỏ tình hay cầu hôn của chúng tôi cũng chỉ đơn giản vậy thôi. Chúng tôi thuộc típ người “dễ hài lòng”, thấy đủ là đủ, chỉ cần chân thành, đối phương đủ cảm nhận được là được.
Tôi và anh ở hai đất nước khác nhau, ngôn ngữ, tập quán và văn hóa cũng khác nhau. Nếu về chung nhà, chúng tôi sẽ sống ở đâu? Bên đây, tôi có gia đình, bạn bè, người thân, nếu qua Thái tôi có ai, tôi chỉ có mỗi mình anh. Bên đây, tôi có công việc văn phòng ổn định, nếu qua Thái tôi sẽ làm gì? Tính tôi độc lập, không cam chịu cuộc sống kiểu “ở nhà anh nuôi”. Những băn khoăn trong lòng tôi đều nói với anh. Anh luôn tôn trọng ý kiến, luôn ưu tiên quyền lựa chọn cho tôi. Tôi thích sống ở đâu thì anh sẽ theo đó “Một là em qua đây sống với anh. Hai là anh về nước sống cùng em. Ba là nơi nào sống được thì mình sống”.
Anh không hề biết, đến hiện tại, anh chính là niềm kiêu hãnh, là sự tự tôn trong tôi. Tôi yêu và trân quý nghề giáo, vì vậy tôi càng yêu anh hơn. Tôi nhìn thấy cả tuổi trẻ cố gắng của anh. Từ một chàng trai 18 tuổi, một thân một mình qua Thái du học rồi trở thành một người thầy giáo ưu tú như giờ. Tôi nhìn thấy được cái tâm, cái tầm, lòng nhiệt huyết và cả sự yêu nghề anh dành cho ngôi trường mà anh đã gắn bó mười mấy năm qua. Tôi đã quyết định qua Thái sống cùng anh . Tôi có thể vì anh mà bắt đầu lại cuộc sống mới. Tôi chỉ muốn anh sống thật thoải mái, làm những gì anh thích và có tôi ở bên.
Mọi người xung quanh tôi, đa số họ không tin vào tình yêu xa. Lâu lâu sẽ có người hỏi thăm bạn kiểu “còn quen không” hay nhìn bạn với kiểu “để chống mắt lên xem tụi nó yêu nhau được bao lâu”. Có một hôm, cô tôi gọi hỏi thăm, rồi hỏi “Dạo này sao rồi, còn quen với anh chàng đó không. Mình con gái nó có thì, người ta ở xa, biết thế nào mà lần, coi tính sao được thì tính”. Hay nhỏ bạn thân nói với tôi “Ê, tự nhiên hôm qua mẹ tao hỏi mày với cái anh kia còn quen không. Tao nói còn. Mẹ tao kêu: trời, tụi nó yêu lâu vậy à”. Tôi nghe vẫn bình thản, tâm không hề dao động. Tôi vẫn đang tin tưởng vào anh, tin tưởng vào tình yêu của chúng tôi.
Cứ tưởng mọi thứ êm xuôi, kế hoạch về chung một nhà cuối năm 2020 của chúng tôi sẽ diễn ra tốt đẹp. Nhưng không, đại dịch Covid-19 ập đến, làm mọi thứ vỡ vụn. Tôi không ngờ, cái ngày tiễn anh về Thái đến nay đã là 530 ngày, tôi chưa được gặp anh. Lúc đầu, chúng tôi cùng an ủi nhau, cùng hy vọng, chắc tháng sau ổn, anh về được; chắc tháng sau nữa anh về được… rồi cả chục tháng sau, anh vẫn chưa về được.
Sáng nào dậy, tôi cũng tìm xem tin tức về nơi anh trước tiên. Khu anh sống như thế nào, số ca nhiễm có nhiều không? Mỗi lần xem là mỗi lần tâm trạng đầy thấp thỏm, lo âu. Anh cũng vậy, ngày nào cũng xem tin tức nơi tôi và căn dặn “Số ca nhiễm Sài Gòn ngày càng tăng, em đi làm, đi ra ngoài cẩn thận nha”
Có những ngày chúng tôi gọi điện, không biết nói gì, cứ lẳng lặng nhìn nhau qua màn hình. Mọi nỗi nhớ đều thể hiện qua ánh mắt mà chúng tôi nhìn nhau. Nỗi nhớ nhau ngày một nhiều, càng nhớ lại càng suy nghĩ cho nhau và yêu thương nhau nhiều hơn.
Có những đêm ngủ mơ, giấc mơ cứ lặp lại bao đêm như một. Mơ anh được về, tôi ra sân bay đón anh, tôi ôm anh và khóc thật to. Cái hơi ấm, cái ôm trong mơ rất chân thật, thật đến nổi mà tôi bừng tỉnh trong màn nước mắt giàn giụa.
Sân bay là cái nơi tôi vừa ghét, lại vừa yêu. Ghét là những lúc tôi tiễn anh đi, anh tiễn tôi về. Yêu là lúc tôi đón anh về, anh đón tôi qua. Lần đầu tôi qua rồi về,
Sân bay là nơi lấy đi nhiều nước mắt của tôi nhất. Anh chưa một lần nhìn thấy tôi khóc. Lúc tiễn anh đi, đợi bóng anh mất hút sau cửa an ninh, tôi mới dám khóc. Lúc anh tiễn tôi cũng vậy, anh đi xa dần tôi mới dám khóc. Tôi sợ anh nhìn thấy tôi khóc. Tôi sợ làm anh buồn. Tôi sợ làm anh không an lòng. Nhưng lần này, nếu gặp lại, tôi chắc rằng mình sẽ ôm anh và khóc thật to, khóc để giải toả hết những nổi ấm ức vì nhớ anh.
Sài Gòn đang trong giai đoạn giãn cách xã hội vì đại dịch. Hôm qua, nhỏ bạn tôi nhắn tin tâm sự “Gần hai tuần rồi, tao chưa được gặp người yêu mày à. Khu Gò Vấp anh ấy ở bị phong tỏa. Tao nhớ sắp điên rồi đây”. Tự nhiên nước mắt tôi rơi. Hai tuần ư? Còn tôi, là bao nhiêu cái hai tuần? Tôi sắp hai năm luôn rồi. Ai có thể hiểu tôi đã và đang vượt qua như thế nào?
Bây giờ, chỉ cầu mong đại dịch chóng qua, để mọi người quay lại guồng sống thường ngày, có thể thực hiện những kế hoạch, những dự định còn dang dở và nhớ nhau thì có thể gặp nhau!
*_*_*_*_*_*_*_*_*
Chiếc ảnh nhỏ mình đăng là tấm hình chụp vội, cũng là tấm hình mình tâm đắc nhất. Đang đi đường, mình thấy cảnh đẹp quá, mình nài nỉ mãi anh mới chịu dừng lại chụp. Vì trưa nắng, vắng bóng, không có ai để nhờ nên hai đứa tự canh góc, tự chụp. Vừa chụp xong được 1 tấm thì hệ thống tưới nước tự động phun xối xả, hai đứa chạy quá trời quá đất leo lên xe. Hai đứa vừa lau nước vừa tủm tỉm cười. Tấm ảnh được selfie bởi chiếc Vivo V7+, là chiếc điện thoại được mua bằng số tiền dành dụm đi làm thời sinh viên. Năm ngoái, sinh nhật mình, anh tặng mình chiếc Vivo V20. Và mình đã tặng lại chiếc Vivo V7+ cho em trai mình khi nó vào đại học với lời dặn “Tặng đó, nhưng nếu sau này ra trường, đi làm có tiền, có đổi điện thoại thì nhớ trả nó lại cho chị nha, nó là cả một kỷ niệm của chị mày nhá”. Thằng em vui vẻ nhận lấy và đi reo với gần hết dòng họ rằng “Chị em, chị con đúng là người keo kiệt”